Góc Nghề Nghiệp, Tin tức
Hồ sơ phỏng vấn xin việc bao gồm những gì?
Ngày nay, để đi phỏng vấn tìm việc thì bạn không cần phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, rồi chạy xe gửi hết công ty này đến công ty khác để tìm cơ hội việc làm nữa. Chỉ cần bạn gửi email, comment trên Facebook, Zalo...hay thậm chí là các Công ty có riêng một website có sẵn các trường để bạn nhập thông tin cá nhân vào và ứng tuyển là xong.
Thế nên, nhiều bạn khi phỏng vấn đậu được mời nhận việc thì băn khoăn không biết làm một bộ hồ sơ xin việc bao gồm những gì? Mất bao lâu để có thể hoàn thành nó. Vài chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn chuẩn bị bộ hồ sơ xin việc nhanh chóng hơn. Cùng tham khảo bạn nha!
Đơn xin việc
Đơn xin việc có thể viết tay hoặc đánh máy. Nội dung đơn xin việc chủ yếu thể hiện nguyện vọng mong muốn được ứng tuyển vào một vị trí nào đó mà công ty đang tuyển dụng. Nó thường mang phong cách cá nhân chứ không cần phải theo một mẫu chuẩn. Nếu bạn có chữ viết đẹp thì có thể viết tay để gây thêm ấn tượng với nhà tuyển dụng, áp dụng trong một số trường hợp cần thể hiện sự chỉn chu của bạn.
Đơn xin việc thường gồm 3 phần: Phần mở đầu thường bạn giới thiệu về bản thân và vị trí mà bạn mong muốn được làm việc; Phần nội dung chính thì bạn sẽ nói về lý do bạn quan tâm vị trí này, các kinh nghiệm và tính cách nổi bật mà bạn nghĩ sẽ phù hợp với vị trí đó; Phần kết thúc là lời cám ơn bạn dành cho Nhà tuyển dụng đã đọc đơn của bạn và hy vọng có một cơ hội được tham gia phỏng vấn trực tiếp.
Nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian đầu tư cho việc viết đơn xin việc này thì có thể tham khảo mẫu ở các bộ hồ sơ xin việc có sẵn, đánh máy hoặc điền vào mẫu. Hoặc bạn có thể tải về rất nhiều trên mạng mẫu đơn xin việc này.
Theo cá nhân mình hiểu thì Đơn xin việc xuất phát từ bộ hồ sơ công chức nhà nước ngày trước và duy trì đến bây giờ. Thực tế, thời điểm này các nhà tuyển dụng là các công ty tư nhân cũng ít chú trọng cái "Đơn xin việc" này, vì quan hệ giữa nhà tuyển dụng và ứng viên là quan hệ win-win, nên bạn có thể thay thế bằng một CV cá nhân hoặc thư ứng tuyển sẽ phù hợp hơn bạn nhé!
Sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch là một bản tờ khai bao gồm tất cả các thông tin liên quan đến người xin việc như các thông tin cá nhân như Họ và tên đầy đủ, Ngày tháng năm sinh, CMND, Hộ khẩu thường trú, địa chỉ tạm trú, thông tin về nhân thân của gia đình gồm bố mẹ, anh chị em ruột...
Sơ yếu lý lịch và CV có một số ít điểm chung liên quan đến ứng viên. Sơ yếu lý lịch thiên về các thông tin về lý lịch cá nhân của người tìm việc, bao gồm cả thông tin gia đình. Còn CV thì thiên về việc thể hiện các trình độ, kinh nghiệm làm việc của người đó.
Sơ yếu lý lịch là một loại giấy tờ khá quan trọng trong bộ Hồ sơ xin việc, vì nó giúp xác minh nhân thân của bạn trước khi vào làm việc tại công ty. Bạn có thể làm bản sơ yếu lý lịch này tại nơi mình tạm trú. Chẳng hạn bạn đang sống ở TP. HCM thì có thể mang theo CMND đến UBND Phường gần nhất để xác nhận. (Update 2021: Theo một số bạn có chia sẻ trên group, thì hiện để xác nhận SYLL phải ra các phòng công chứng tư)
Khi đi xác nhận sơ yếu lý lịch, bạn nên mang theo 2 bản, vì ở phường sẽ giữ lại một bản. Có một số ít nơi họ từ chối xác nhận, thì bạn cũng đừng lo lắng mà hãy mang sang phường khác. Không cần phải về quê để làm giấy tờ này vừa mất thời gian vừa tốn tiền đi lại bạn nha.
Trong thời gian tới, khi thẻ căn cước công dân gắn chip được phổ cập thì hy vọng là sẽ thay thế được phần Sơ yếu lý lịch này. Thực tế thì các doanh nghiệp cũng bắt đầu số hóa tài liệu giấy tờ để lưu trữ thành file, giảm tải việc lưu trữ, bảo quản quá nhiều loại giấy tờ.
Chứng minh nhân dân và hộ khẩu
Hai loại giấy chứng minh nhân dân (căn cước công dân) và sổ hộ khẩu này thì quá đơn giản, chỉ cần photo và mang đi sao y là xong. Nếu bạn có hộ khẩu tỉnh thì có thể nhờ người nhà làm gửi lên. Hoặc theo mình thì nên làm sẵn vài bản sao y công chứng mang theo để dùng khi cần sau này.
Một số Công ty cũng đang tinh giảm giấy tờ bằng cách bỏ yêu cầu sổ hộ khẩu trong hồ sơ phỏng vấn xin việc, vì hiện nhà nước Việt Nam cũng đang có định hướng tích hợp thông tin sổ hộ khẩu vào căn cước công dân.
Cập nhật: Hiện tại đã bỏ sổ hộ khẩu
Giấy khám sức khỏe
Nếu Công ty không yêu cầu đặc biệt, bạn có thể khám ở trạm y tế phường, xã để tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì chỉ có vài chỉ số chiều cao, cân nặng, nhịp tim...Và có xác nhận đủ sức khỏe đi làm là được. Để có thông tin này thì bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng khi phỏng vấn đạt nhé!
Đặc biệt, một số công việc yêu cầu cao về tình trạng sức khoẻ như phải có các chỉ số chuyên sâu như chỉ số máu, nhịp tim, nước tiểu, tiền sử các bệnh truyền nhiễm...thì bạn phải vào bệnh viện cấp quận trở lên. Thường sẽ mất thời gian khoảng một buổi đến một ngày để hoàn thành giấy khám sức khỏe này.
Lưu ý: Một số bệnh viện thường quên đóng mộc đỏ trên giấy khám sức khỏe, bạn nhớ kiểm tra kỹ khi nhận để không phải đi lại nhiều lần mất thời gian và tiền bạc.
Bằng cấp
Bộ hồ sơ xin việc thường yêu cầu một bằng cấp chính và các chứng chỉ về các khóa học chuyên môn. Nếu bằng cấp của bạn là song ngữ thì phải ra phòng công chứng cấp quận trở lên để dịch mới sao y được. Một số vị trí không yêu cầu bằng cấp thì không cần chuẩn bị.
Thực tế các Công ty tư nhân đang khá cởi mở hơn về yêu cầu bằng cấp. Tuy nhiên, đặc thù một số chuyên nghành là bắt buộc vì liên quan nghiệp vụ chuyên môn và tính pháp lý. Ví dụ như: giáo viên, bác sĩ, thợ điện...
Các yêu cầu khác
Bộ hồ sơ xin việc thường sẽ phải có công chứng, xác nhận của địa phương nơi bạn đăng ký tạm trú hoặc thường trú. Và thời gian xác nhận thường yêu cầu không quá 6 tháng tính tới lúc bạn nộp cho công ty nơi bạn đậu phỏng vấn.
Ngoài các yêu cầu trên thì một số công ty sẽ có các yêu cầu đặc biệt khác như ảnh 3x4, giấy khai sinh, lý lịch tư pháp...Không còn cách nào khác là bạn phải làm theo yêu cầu của Công ty bạn ứng tuyển. Vì có thể quy trình, quy định của công ty họ bắt buộc như vậy.
Đi phỏng vấn tìm việc có cần mang theo hồ sơ xin việc không?
Theo ý kiến cá nhân của mình, khi bạn đi phỏng vấn tìm việc thì không cần mang theo bộ hồ sơ xin việc này. Có một số công ty bắt buộc mang theo hồ sơ xin việc bản công chứng khi đi phỏng vấn là một quy định cứng nhắc, bởi vì khi bạn phỏng vấn không đạt thì họ sẽ không trả lại cho bạn, gây lãng phí tiền bạc của xã hội.
Thông thường thì các công ty khi phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn mang theo CV mà thôi, hoặc mang theo CMND để đối chiếu thông tin để làm thủ tục vào cổng, vào tòa nhà...Công ty sẽ thu bộ hồ sơ xin việc sau khi bạn đã đạt phỏng vấn và nhận offer letter (thư mời nhận việc) chính thức. Chúc các bạn sẽ không mất nhiều thời gian để làm bộ hồ sơ xin việc và có công việc như ý!