Xem video English lesson for job interviews trên Tiktok. XEM NGAY

Làm sao để vượt qua thời gian thử việc?

Khám phá bí quyết chuẩn bị cho ngày đi làm đầu tiên - tự tin, sẵn sàng chinh phục công việc mới. Bài viết hữu ích cho người mới ra trường đi làm

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bài học Cần chuẩn bị gì cho ngày đi làm đầu tiên? nói về việc làm quen với môi trường làm việc mới và nhanh chóng thích nghi, tránh các sai lầm đáng tiếc và bắt đầu công việc một cách hiệu quả và nhanh nhất có thể. 

Và, ngày đầu tiên đó chính là ngày bạn bắt đầu thời gian thử việc của mình. Thời gian thử việc là giai đoạn đầy thách thức và khá căng thẳng đối với hầu hết mọi người khi bắt đầu một công việc mới. Cùng tham khảo 5 bí kíp để vượt qua thời gian thử việc một cách suôn sẻ và tự tin bạn nhé!

Thời gian thử việc là gì?

Thời gian thử việc (probationary period) là khoảng thời gian ngắn định kỳ khi một nhân viên mới bắt đầu công việc tại một tổ chức hoặc công ty. Mục đích của thời gian thử việc là cho phép cả nhân viên và nhà tuyển dụng đánh giá liệu họ có phù hợp với nhau hay không, đồng thời giúp nhân viên mới dần làm quen với môi trường làm việc, công việc và đồng nghiệp.

Thời gian thử việc thường kéo dài từ một đến hai tháng, tùy thuộc vào từng công ty và loại công việc. Trong thời gian này, nhân viên mới có cơ hội thể hiện năng lực, kỹ năng, thái độ làm việc và sự chuyên nghiệp của mình. Nếu nhân viên hoàn thành thời gian thử việc một cách thành công, họ sẽ chính thức trở thành nhân viên chính thức của công ty, thường đi kèm với một mức lương và quyền lợi tốt hơn.

Trong thời gian thử việc, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá hiệu quả làm việc, thái độ và khả năng hợp tác của nhân viên mới. Nếu nhân viên không đạt được yêu cầu của công ty trong giai đoạn này, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động. Và ngược lại, nếu nhân viên cảm thấy không phù hợp với công việc hay môi trường...cũng có thể không tiếp tục mà không bị bất kỳ ràng buộc nào về thời gian báo trước.

Top 5 bí kíp để vượt qua thời gian thử việc một cách suôn sẻ

Các bạn lưu ý đây là 5 bí kíp tham khảo, sẽ tuỳ thực tế vào tính chất công việc, môi trường làm việc mà bạn có thể linh hoạt áp dụng cho phù hợp nhé!

1/ Hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình

Tìm hiểu kỹ công việc: Đọc kỹ mô tả công việc, hỏi người quản lý và đồng nghiệp nếu có thắc mắc để hiểu rõ hơn về công việc của mình. Đừng ngại hỏi người quản lý về những kỳ vọng của họ đối với bạn trong thời gian thử việc và làm thế nào để đạt được các mục tiêu đó.

Xác định các KPIs (Chỉ số hiệu suất chính): Biết các chỉ số hiệu suất chính giúp bạn tập trung vào những điểm quan trọng, đánh giá được tiến trình của mình và đưa ra các điều chỉnh cần thiết để có thể hoàn thành chỉ tiêu trong thời gian này. Đây được xem là điều rất quan trọng, vì đây là chỉ số hiện thực hoá hiệu quả công việc của bạn.

2/ Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ

Đào tạo và hướng dẫn: Tham gia các khóa đào tạo và hướng dẫn của công ty để nâng cao kỹ năng và hiểu biết về công việc. Hãy quan sát và học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn trong công việc, đặc biệt là những người làm cùng vị trí.

Hỏi ý kiến và lắng nghe nhận xét: Đừng ngại hỏi ý kiến và lắng nghe nhận xét từ người quản lý và đồng nghiệp để biết mình đang làm đúng hay cần cải thiện điều gì.

3/ Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp

Giao tiếp tích cực: Hãy luôn mở lòng giao tiếp, lắng nghe phản hồi của người khác và chia sẻ suy nghĩ của mình một cách rõ ràng và thân thiện với một tinh thần, thái độ tích cực. Tránh việc phàn nàn, than thở, tụ tập theo bè phái nói xấu các đồng nghiệp khác.

Tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khoá: Tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa của công ty giúp bạn kết nối với đồng nghiệp, tăng cường tình đồng đội và tạo điều kiện cho bạn làm việc hiệu quả hơn.

Hỗ trợ và cộng tác: Hãy sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khi họ cần và cùng nhau cộng tác để hoàn thành công việc hiệu quả hơn.

4/ Thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm

Đúng giờ: Luôn đến công ty đúng giờ, thể hiện sự nghiêm túc và tôn trọng thời gian của bạn và người khác.

Tôn trọng quy định công ty: Tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp, trang phục, vệ sinh, và quy tắc ứng xử trong công ty.

Hoàn thành công việc đúng hạn và chất lượng: Luôn nỗ lực hoàn thành công việc đúng hạn và đạt chất lượng tốt nhất có thể, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp.

5/ Tự đánh giá và cải thiện liên tục

Tự đánh giá: Đánh giá định kỳ công việc của mình, xác định những điểm mạnh và điểm yếu để có kế hoạch cải thiện.

Đề ra mục tiêu phát triển: Đặt ra các mục tiêu phát triển cá nhân, từ ngắn hạn đến dài hạn, và nỗ lực để đạt được chúng. Luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản biện, học hỏi từ những sai lầm và trau dồi kỹ năng liên tục.

Những điều cần tránh trong thời gian thử việc

Với 5 tips mà mình đã cùng nhau tìm hiểu trên để có thể vượt qua thời gian thử việc, thì ngược lại với những điều đó chính là những điều cần tránh. Tuy nhiên, mình thêm phần này vì muốn một lần nữa nhấn mạnh lại để các bạn nắm rõ vì tính chất quan trọng của nó.

Thiếu tập trung: Khi tham gia các cuộc họp hoặc làm việc, hãy tránh việc sử dụng điện thoại, trò chuyện phiếm hoặc thực hiện các hoạt động không liên quan. Tập trung vào công việc giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Tự mãn và không tiếp thu ý kiến: Trong thời gian thử việc, đừng tự mãn với kỹ năng và kiến thức hiện có của mình. Hãy sẵn sàng học hỏi từ người quản lý và đồng nghiệp, tiếp thu ý kiến phản biện để cải thiện bản thân.

Không thể hiện sự chủ động: Đừng chờ đợi người quản lý chỉ dẫn mọi việc. Hãy chủ động tìm hiểu công việc, đưa ra ý tưởng và giải pháp, và hỗ trợ đồng nghiệp khi cần.

Vượt qua thời gian thử việc không chỉ giúp bạn có cơ hội trở thành nhân viên chính thhuwcs mà bạn đã chọn, mà còn là cơ hội để bạn phát triển kỹ năng, mở rộng mối quan hệ và hoàn thiện bản thân. Hãy tham khảo và áp dụng những bí quyết mà bạn thấy phù hợp để tự tin để vượt qua thời gian thử việc bạn nhé!

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Làm sao để vượt qua thời gian thử việc? Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Chúc các bạn thành công.

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook